Image
Jan Van Eyck
*
Image
*
Image
Georgia O'Keeffe
*
**

Tôi thường xem đi xem lại những bức tranh của Jan Van Eyck (1390?-1441), hoạ sĩ Bắc Âu tìm ra sơn dầu. Bức tranh Lễ sùng bái của các con chiên thần bí vẽ một khu vườn có đến hơn 150 loài hoa cỏ, loài nào ra loài ấy, nay phần nhiều đã tiệt chủng. Bức Đám cưới của vợ chồng Arnolfini, cầm tay nhau chỉ thiênchỉ địa, sau lưng họ trên tường treo một cái gương, nhìn kỹ trong gương nó phản chiếu hình ảnh toàn bộ nội thất phía trước. Xem tranh Van Eyck có lẽ phải dùng một kính phóng mới thấy hết các chi tiết. Cuộc sống bao giờ cũng đa dạng phong phú, ngay trước mắt ta, ta thường nhìn, mà chỉ thấy được phần nào. Một bông hoa hồng chẳng hạn, khi chưa nở những đài hoa xanh nhạt ôm lấy đoá hoa xốp phớt hồng, khi nở rồi những đài hoa quăn xuống, nhường chỗ cho nhiều lớp cánh hoa tung ra. Một cái lá sen với những gân lá toả từ gốc cuộng, khi ra đến gần rìa lá những đường gân này tách ra làm hai và kết với gân bên cạnh thành những cung tròn quanh mép lá. Tự nhiên lúc nào cũng hoàn thiện, vừa cân đối vừa không cân đối, không vì cái đẹp mà vì tồn tại. Nghệ thuật của riêng con người, không có cái đẹp thì không ra người. Tề Bạch Thạch (1864-1957) vẽ tranh Thu sắc suy (Sắc thu tàn) với con ve sầu lò dò trên cái lá đỏ, lớp cánh của nó mỏng tang như một cái mạng lưới giấu phía sau là cái bụng xanh mờ. Càng là hoạ sĩ giỏi khả năng quan sát càng tinh tế, khả năng thể hiện sự tinh tế ấy chính là giá trị nghệ thuật. Hoa cỏ giống như động vật có đực cái và sự gợi tình. Hoa loa kèn chẳng hạn, với sáu cái cánh, ba cánh trong nhỏ hơn nở lệch với ba cánh ngoài, tạo thành hình lục lăng rất cân đối, khi chưa nở thì giống như đàn ông, khi nở rồi lại giống như đàn bà. Georgia O'Keeffe (1887 - 1986) thường vẽ những bông hoa phóng cực to, mầu lục biếc hoặc hồng phớt gợi cảm, gợi tình, đôi khi trông dâm đãng vô cùng. Ấy thế mà, nhiều người hỏi bà như vậy, bà bảo rằng không phải, tôi không có ý đấy.

Ông chồng thương gia Arnolfini đứng cạnh vợ trong bức hoạ của Van Eyck, mặt đầy đa nghi và có vẻ không đoan chính cho lắm, cô vợ còn trẻ bụng chửa tướng nom hiền lành và ngoan đạo. Trên đầu họ là chiếc đèn chùm thắp nến, dưới chân là một con chó bông xù. Có lẽ không có gì lọt qua mắt hoạ sĩ, nhưng y còn muốn nhiều điều hơn từ hiện thực, đằng sau, bên trong cảnh tượng hạnh phúc là gì, và số phận dẫn họ đến đâu. Tất cả chỉ là cảm giác.

Cảm giác không bao giờ là chính xác, nó tràn ngập và tạo ra tính đa hướng của tác phẩm, nghệ sĩ không kiểm soát được nó, nó dẫn dắt tác phẩm khác xa với ý định ban đầu. Một bài thơ đường nói về cô gái đã có chồng, một chàng trai theo đuổi tặng cho cô đôi ngọc Minh châu. Cảm kích mối tình của chàng, nhưng cô đã hứa chung thuỷ với chồng cũng là một trang hảo hán cầm kích gác trong vườn thượng uyển. Câu kết bài thơ viết rằng: Hoàn quân minh châu song lệ thuỳ/ Hận bất tương phùng vị giá thì(1). Nhiều người dịch là: Trả lại chàng đôi ngọc minh châu mà nước mắt rơi lã chã/ Hận chẳng gặp lúc chưa lấy chồng. Thế thì tốt quá, vừa có tình vừa thủ tiết. Thế nhưng nếu dịch là Trả lại chàng đôi ngọc minh châu bằng hai hàng nước mắt, thì vấn đề khác hẳn. Cái hay của nghệ thuật có lẽ ở chỗ chẳng phải thế này, cũng chẳng phải thế kia vừa là thế này, vừa là thế kia, cái đúng không có ý nghĩa gì cả. Trong bức tranh Con nghé quả thực của Nguyễn Tư Nghiêm, bên cạnh những người nông dân vui mừng được chia quả thực, còn có đứa bé gái rất buồn đứng bên gốc cây chuối, có lẽ nó là đứa con nhà địa chủ vừa bị tước mất con nghé. Mấy chục năm vừa rồi người ta chỉ xem vế thứ nhất của bức hoạ mà bỏ qua vế thứ hai. Nghệ thuật cũng hay vì tính bao dung đó.

Là một người bắc bộ, tôi gần với đình chùa hơn là tháp Chàm. Đứng trước pho tượng phật sơn son thiếp vàng, tôi đọc được ở đó nhiều ý nghĩa, thấy tịch mịch nghiêm cẩn, thấy vẻ gợi tình khi người thợ chuốt bàn tay Phật mà như đang cầm tay một thiếu nữ. Nguồn gốc văn hoá của ta ở đâu ta có nhiều tín hiệu và xúc cảm hơn để đọc những biểu hiện nghệ thuật tương đồng. Tôi mất nhiều thời gian để chiêm ngưỡng một bệ thờ Linga - Yoni, một pho tượng thần Siva, một vũ nữ Apsara. Thời gian của nghệ thuật ấy cũng lâu đời hơn, vẻ đẹp huyền bí cũng ngây ngất hơn và hơi thở của đá cũng khó cảm nhận hơn hơi thở của gỗ. Vượt qua ranh giới đó, ta có thêm một nền văn hoá khác, cũng thân thương nhưng đầy khát vọng sống. Ở thế kỷ 16, khi Leonardo và Raphael nhìn thấy những tượng gỗ châu Phi chắc lắc đầu quầy quậy, phải để đến thế kỷ 20, Picasso mới phát hiểna vẻ đẹp cân đối này, không có gì chung với lý tưởng hoàn thiện hoàn mỹ của truyền thống Hy La. Không thể đòi hỏi người khác giống như mình, không thể đòi hỏi một thứ nghệthuật cho mình hiểu. Nghệ thuật như món ăn, mõi người một khẩu vị, tác phẩm giống như bữa tiệc, nhưng liệu ta có đủ lịch lãm để dự tiệc không?

Từ TT&VH ngày 30/06/07

(1) Sau đây là toàn bộ bài thơ mà Phan Cẩm Thượng đã trích dẫn:

Tiết phụ ngâm

Quân tri thiếp hữu phu
Tặng thiếp song minh châu,
Cảm quân triền miên ý,
Hệ tại hồng la nhu
Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi
Lương nhân chấp kích Minh Quang lý
Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt
Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử
Hoàn quân minh châu song lệ thùy
Hận bất tương phùng vị giá thì


Dịch Nghĩa
Chàng biết em đã có chồng
Tặng em đôi hạt châu sáng
Cảm động trước tình đeo đẳng của chàng
Em buộc vào áo lụa hồng
Nhà em có lầu cao bên vườn hoa
Chồng em cầm kích túc trực trong điện Minh Quang*
Vẫn biết lòng chàng trong sáng như mặt trời, mặt trăng
(Nhưng) em đã thề cùng sống chết với chồng
Trả lại chàng hạt châu sáng, hai hàng nước mắt ròng ròng
Ân hận rằng không thể gặp nhau lúc chưa chồng

(*) Minh Quang: một điện trong hoàng cung triều Hán

Dịch Thơ
Tiết phụ ngâm

Chàng hay em có chồng rồi,
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
Vấn vương những mối cảm tình,
Em đeo trong áo lót mình màu sen.
Nhà em vườn ngự kề bên,
Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
Như gương, vâng biết lòng chàng,
Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

Bản dịch: Ngô Tất Tố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét