Image
Jackson Pollock
*
**

Người phương Đông xưa, những nhà quý phái thường chơi thư hoạ, đồ cổ. Nếu ai có một bức thư pháp của Nhan Chân Khanh (709-785), hay một bức sơn thuỷ của Mã Viễn (hoạ gia đời Tống), thì thật nức danh thiên hạ. Anh muốn xem ư, dễ thôi, đến đàm đạo với chủ nhân, rồi trai giới, tức là tắm rửa sạch sẽ, ăn chay, xa sắc dục ba ngày, rồi ngồi một mình trong căn phòng u tịch khói trầm phảng phất, trước bức hoạ một buổi, một ngày, hai ngày tuỳ theo. Nếu là người có thư pháp có thể viết lên đó một vài dòng, hoặc bài thơ vịnh cảnh. Cũng giống như người đi thưởng ngoạn ca trù phải biết cầm trống chầu, xem tranh cũng cần có đạo. Hội hoạ giá vẽ bày trong các xa lông quý phái, tranh trục quyển (tranh cuốn dọc và ngang) trong các gia trang của sĩ đại phu, dần thành thú chơi rườm rà mệt nhọc. Nghệ thuật cũng chẳng cầu kỳ như thế, nên thời hiện đại, nghệ thuật có xu hướng bình dân, tất nhiên không có nghĩa là không cần chút kiến thức nào để thưởng thức.

Khi nói rằng tôi không hiểu bức tranh pho tượng này, tức là ta đã từ chối cảm giác của mình. Thông điệp trí tuệ từ bức hoạ đem lại vốn không nhiều bằng cảm giác, mà cảm giác thì ai cũng có, nhiều là đằng khác. Trông thấy một mỹ nhân, Lý Bạch băn khoăn: Đãn kiến lệ ngân thấp/ Bất tri tâm hận thuỳ(1), nghĩa là: Chỉ thấy nước mắt rơi lã chã/ Không biết lòng cô giận ai? Đó chỉ là một cảm giác, thắc mắc muốn nhìn vào bên trong tâm hồn qua vẻ bên ngoài. Cái đời sống cảm giác ấy vốn tràn ngập trong sinh hoạt tình cảm và văn nghệ của người Việt. Chẳng hạn cảm giác về cái buồn: Giời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai (ca dao), cảm giác tình tứ: Gió xuân lật cả yếm đào/ Sao trông thấy oản không vào thắp hương (ca dao). Cảm giác là một thứ trừu tượng, khó phân tích, không thể quả quyết đúng sai. Một chàng trai đến chơi nhà bạn gái, bố cô ta lườm cho một cái. Cái lườm là một ngôn ngữ trừu tượng, có thể phiên dịch thế này: đàn ông gì suốt ngày bám váy đàn bà, lại rủ rê con tao đi đâu, uống xong chén nước rồi biến đi cho sớm, cái mặt cứ câng câng thế kia kìa, y hệt như thằng bố ngày nào …Chàng trai kia tất nhiên là cảm nhận được ý nghĩa đó, tất nhiên không cần lý giải. Ngôn ngữ trừu tượng đầy rẫy trong cuộc sống, vì cảm nhận bằng cảm giác là nhanh nhất.

Thế mà hội hoạ trừu tượng bị phản đối nhiều nhất, như một thứ vô nghĩa lý, trẻ con cũng vẽ được và phản nghệ thuật. Dẫu ngày nay có được chấp nhận, nhưng đa số vẫn không thích và hiểu tranh trừu tượng. Có lẽ lỗi chính là đòi hiểu cái không để hiểu. Trong sinh hoạt của con người có nhiều khu vựckhông để hiểu. Kandinsky (1866-1944) cho rằng đó là nghệ thật không có đối tượng, tức là hội hoạ trừu tượng không lấy bất cứ hình ảnh nào mà con mắt trông thấy để vẽ, nó chỉ là ngôn ngữ tuyệt đối sinh ra trực tiếp từ tâm hồn. Xem tranh trừu tượng của Pollock (1912-1956) có cảm giác nước Mỹ thật hoành tráng, đồ sộ, hay ít nhất là những toà nhà trên những đại lộ thẳng băng hàng trăm cây số. Pollock không vẽ ra hình ảnh mà vẽ ra cảm giác này. Tranh trừu tượng của Frank Stella (sinh 1036) thường chỉ có một màu, hoặc ba tấm là ba màu nguyên, nhưng màu đơn của ông gợi cảm vô cùng, như màu da người chẳng hạn. Hoạ sĩ Nguyễn Trung cũng khai thác cảm giác của mặt da gốm, bề mặt đồ đồng, hay vải gai làm thành những bức hoạ đồng sắc trừu tượng. Đương nhiên tranh trừu tượng không chỉ có thế, nó còn mang được xúc cảm thực tại về thân phận và cuộc sống, không phải lúc nào cũng nói ra được bằng lời. Trừu tượng luôn nằm giữa hai cực rộng nhất và hẹp nhất, không có nội dung nhưng vô cùng xúc cảm. Khi một hoạ sĩ đã từng vẽ hình hài rất vững, chuyển sang vẽ trừu tượng, tức là từng nét vẽ đã được sàng lọc qua tự nhiên rồi.

Ta hãy xem một buổi trình diễn opera, tất cả ngũ quan mắt mũi mồm tai, da thịt đều thoả mãn, đều đầy ắp những cảm giác, mà có thể ta không hiểu một lời hát nào. Nghệ thuật sinh ra từ cảm giác, rồi lại được tiếp nhận bằng cảm giác. Ngũ quan của ai được tôi luyện nhiều bằng nghệ thuật đều có sức cảm nhận tốt hơn, ăn ngon hơn và chơi cũng hay hơn. Chẳng thế mà những món giản dị như canh cua, nước rau luộc dầm sấu, bánh gio, bánh dậm cũng đủ làm nên cảm giác quê mùa người Việt đằm thắm, huống chi là đồ gốm Lý Trần, tượng Phật thời Lê, tranh thờ và thổ cẩm. Thế mà Trần Thái Tôn lại viết thế này:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng

Mắt theo hình sắc, mũi theo hương

Lênh đênh làm khách phong trần mãi

Ngày hết quê xa vạn dặm trường.

Giác quan đuổi mãi theo sự vật bên ngoài làm lu mờ mất bản thể của hình. Ở đây có cái gì rất mâu thuẫn, không phát triển ngũ quan thì không hiểu biết thế giới, phát triển ngũ quan lại đánh mất bản ngã của mình. Biết làm sao đây?

Từ TT&VH ngày 03/07/2007

(1) Bài thơ Phan Cẩm Thượng trích dẫn:

Oán tình

Mỹ nhân quyển châu liêm,
Thâm tọa tần nga mi.
Đãn kiến lệ ngân thấp,
Bất tri tâm hận thùy.


Dịch Nghĩa:

Người đẹp cuốn rèm châu,
Lặng ngồi chau mày ngài
Chỉ thấy ngấn lệ ướt,
Chẳng biết lòng giận ai.

Dịch Thơ:

Mối Tình Ai Oán

Người xinh cuốn bức rèm châu,
Ngồi im thăm thẳm nhăn chau đôi mày.
Chỉ thay giọt lệ vơi đầy
Đố ai biết được lòng này giận ai?


Bản dịch của Tản Đà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét