Copy and paste

Đã từ lâu rồi không viết về các vấn đề xã hội, dù theo dõi rất sát mọi thông tin trên các trang tin, các Blog và cả báo chí ... nhưng trăn trở lo lắng nhiều khi làm tôi băn khoăn thật nhiều, thật lâu,tôi đưa cả vào các cuộc chuyện trò hàng ngày với người thân (những người không theo dõi và cũng không có thông tin đầy đủ) Tôi sợ khi viết vào mình sẽ nói không tới, không hết và sẽ chửi bậy .. mà tôi rất hay cáu và chửi bậy khi nói về chuyện này ..

Và tôi cũng rất ít khi post lại bài của người khác với một quan điểm rằng mạng là một nơi ai cũng có thể tới được đọc được như nhau (dù nhiều trang bị tường lửa chỗ này nhưng không bị ở vùng khác, nhưng chỉ cần lòng mong mỏi thì chắc chắn sẽ đọc được) Nay tôi xin Bác Trần Nhương post lại bài này dù đã đọc đi đọc lại chỉ để thể hiện rằng dù chưa viết, và chưa nói nhưng nỗi buồn này tôi cũng đã và đang day dứt ...


CÓ MỘT NỖI BUỒN MANG TÊN THÁNG 5

Trần Nhương


Hồi này tôi không vẽ vời, viết lách gì được vì nhiều chuyện của đời sống xã hội ập đến. Ông bạn đồng đội với tôi Phạm Đình Trọng thì bảo Nỗi ngán ngẩm hàng ngày. Ông có viết một bài khá nặng kí gửi tôi nhưng tôi không post lên vì sau Lá thư của một con dân nước Việt thì tôi cho rằng Phạm Đình Trọng đã hoàn thành nhiệm vụ.

Điều làm tôi không muốn nghĩ cũng không thể không nghĩ ấy là một loạt những việc xảy ra liên tiếp và có tính logic của nó. Hay nói một cách khác đó là cốt cách, khí thiêng sông núi Việt Nam, lịch sử oai hùng của cha ông đang bị tổn thương.
Những ngày này Quốc hội khoá 12 kì họp thứ 5 đang diễn ra tại Hà Nội. Đất nước đang trông chờ vào bản lĩnh của 493 người thay mặt nhân dân này. Nhưng hy vọng thì cứ hy vọng còn thực tế không biết được bao nhiêu.

Trời mấy ngày nay rất thất thường, mưa nắng không ra cữ gì giống như một tên tráo trở, lật mặt…Buồn khôn tả. Nỗi buồn không đặt được tên. Tôi có đọc một bài của ai đó có cái tít rất lạ: Nỗi buồn mang tên Việt Nam. Tác giả bài viết ấy kể chuyện chị đi biểu tình vì yêu nước, vì bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa mà bị phiền hà bao nhiêu sau đó. Phải là người yêu nước lắm mới nghĩ ra một cái tên ám ảnh như vậy. Có lẽ nỗi buồn của tôi xin được đặt tên là nỗi buồn mang tên tháng Năm.

Những sự việc mà tôi nói có tính logic ấy là thế này:

1- Hồi năm 2008 học sinh sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức biểu tình hoà bình để biểu lộ tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của ta thì bị giải tán, nhiều người bị thẩm vấn. Nhà văn, bloge Trang Hạ còn bị giữ nhiều giờ…

2- Ngày 17-2 năm nay là 30 năm chiến tranh biên giới. Bao nhiêu người đã ngã xuống, trong đó có đồng nghiệp Bùi Nguyên Khiết của tôi, có anh Mộng Lục một cán bộ của Phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội, có Lê Đình Chinh, có Hồng Chiêm và bao nhiêu chiến sĩ thân yêu. Họ là những giọt máu của bao nhiêu bà mẹ đã mang nặng để đau dâng hiến cho tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Vậy mà ngày này các phương tiện truyền thông chính thống không một lần nhắc đến. Ngay cả cái chết của liệt sĩ cũng bất công thế a ? Vì sao không nhớ đến họ ?. Trong khi đó bên đối phương họ ra sách, họ viết hồi ký ầm ầm về cuộc chiến đó. Sự nhu nhược khiến kẻ thù cũng khinh thường. Chỉ có các trang blog, web cá nhân còn biết điều lễ nghĩa ấy mà viết bài thay cho nén tâm nhang tưởng nhớ đến họ. Nếu không thì thật nhục nhã và xấu hổ…

3- Tờ báo Du lịch của TC Du lịch số Xuân Kỷ Sửu có in bài về Hoàng Sa, Trường Sa thì bị đình bản 3 tháng. Nhà báo Nguyễn Trung Dân, phó TBT phụ trách bị thu thẻ nhà báo và rút phép hành nghề. Theo Vnn.vn đưa tin như sau: “Theo quyết định ký ngày 14/4 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Du lịch của Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ bị đình chỉ việc xuất bản trong 3 tháng. Quyết định đình bản Báo Du lịch căn cứ vào những sai phạm nghiêm trọng của Báo Du lịch số Tết Kỷ Sửu 2009. Theo quyết định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Báo Du lịch đã không chấp hành sự chỉ đạo đối với các thông tin quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, cho đăng những thông tin trên số báo Tết Kỷ Sửu 2009 vi phạm nghiêm trọng các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 10 Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

4- Việc để Trung Quốc cắm cờ 5 sao trên đất Tây Nguyên sai thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam. Đoạn trích đây là bài của Trần Sơn viết về việc TQ cắm cờ của họ trên Tây Nguyên : “Theo các quy định của các Các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia quy định: Chỉ có các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và văn phòng của các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hiệp quốc được phép treo cờ của quốc gia mình, hay của tổ chức của mình thường xuyên. Các tổ chức, cá nhân khác không có quy chế ngoại giao, lãnh sự như các công ty nước ngoài hay liên doanh với nước ngoài không được phép treo cờ thường xuyên của quốc gia họ trên đất Việt Nam

5- Việc website của Bộ Công thương thuộc Chính phủ có tên miền vietnamchina.gov.vn (tên miền này theo quy định chỉ cơ quan công quyền mới có) đã để cho Trung Quốc vào tận “nhà” mình ngay trên ngã tư phố Ngô Quyền - Tràng Tiền Hà Nôi tuyên bố phản đối Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch huyện Hoàng Sa và nhiều bài sai trái khác…Cho đến lúc này website đó vẫn ngang nhiên trên mạng mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên bố đã thu hồi tên miền vietnamchina.gov.vn!

Nếu ta xâu chuỗi những sự việc trên lại thì rõ ràng có một quan điểm nhất quán của ai đó cấm ta nói đến chủ quyền của ta, cấm ta yêu nước ta. Trong khi đó ủng hộ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ngay tại Bộ Công thương của Chính phủ CHXHCNVN. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin thì ra roi với một số báo chí đồng bào của mình nếu nói đên tên huý “Hoàng Sa, Trường Sa..”

Vậy là thế nào nhỉ ? Những người con dân nước Việt như tôi sao lại không buồn và không đặt ra những câu hỏi.

Tháng 5 với những kỉ niệm lớn như chiến thắng Điện Biên phủ, Ngày sinh Cụ Hồ, Ngày mở đường Trường Sơn mà sao không làm tôi vơi nỗi buồn xao xác trong lòng ? Tôi đã 28 năm mặc áo lính, đã đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ mà hôm nay không biết gửi niềm tin vào đâu…

Ôi nõi buồn mang tên tháng 5…

Thứ năm ngày 21/5/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét