Mẹ về hưu




Cách đây chừng bốn năm, ngày mà tôi mới ra trường, nói chuyện mẹ về hưu thấy vẫn còn xa hun hút. Thế nhưng chỉ đến mai thôi, ngày ấy đã đến rồi, một cột mốc nữa của thời gian được bỏ lại đằng sau, rồi một đời người đi qua bao nhiêu những cột mốc như thế?!

Nhớ về những năm tháng, cả nhà đến giờ khi nhớ lại vẫn trêu mẹ về tình thương của mẹ đối với những người ăn mày, mẹ rất hay cho ăn mày ăn cơm hay uống nước chanh đường, một lần suýt nữa thì người ăn mày trở thành kẻ ăn trộm chiếc xe đạp của mẹ (chuyện này lâu lắm rồi ngày tôi chưa ra đời). Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cảm giác ghê ghê khi mẹ sai đi rửa cái bát mà ông ăn mày đã ăn vào những buổi trưa nắng, tôi chỉ thích ném ùm cái bát xuống ao. Để rồi giờ đây lớn hơn, tôi lại thấy thương các cụ già ngồi thu lu cầm xấp vé số ở những bến xe mình đã đi qua, họ ngước mắt lên và chìa tay ra với tất cả mọi người. Có một lần tôi cho tiền thay vì mua vé số của một bà cụ ở bến xe Vị Thanh tỉnh Hậu Giang, bà cụ lắc đầu không nhận, chỉ nói: "cậu mua giùm mấy tờ vé số", từ đấy tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện cho tiền như thế nữa, tôi vẫn mua những tờ vé số, nhiều khi thật lâu mới so và chẳng bao giờ trúng.

Ở thời tất cả đều khó khăn, người ta gọi những người buôn bán là "phe" - một xã hội tối tăm và lạc hậu, mẹ kể thời đó có câu "con giáo viên nhìn thấy miếng thịt mắt sáng lên", ngoài làm giáo viên mẹ cũng phải làm thêm bao nhiêu việc nữa để nuôi bọn tôi. Có thời mẹ bán bột sắn lên thành phố, có thời mẹ bán vải cho các hiệu may ở quê, mẹ còn tự đọc sách để may quần áo cho ba đứa, rồi cho bạn bè, và mẹ là cả thợ may nữa. Ngày còn nhỏ, nhớ nhất là ba chị em luôn có những bộ giống y chang nhau, riêng tôi là con trai, mẹ còn đóng cho những chiếc măng - tô (3 chiếc thì phải). Nhưng nhớ nhất là chiếc quần ngày lớp một, nó rộng thùng thình, thời ấy còn chưa điệu đàng nên mẹ thuyết phục được tôi mặc bằng cách nào tôi cũng chẳng nhớ, ra trường mấy anh học sinh mẹ cứ trêu tôi mặc quần "chú tễu", lúc ấy tôi chẳng biết chú tễu là ai, còn bây giờ thì nhớ mãi.

Làm bao nhiêu công việc nhưng mẹ vẫn làm giáo viên mấy chục năm nay, từng dạy cả ba đứa chúng tôi, hình như đứa nào cũng đã từng bị mẹ đánh trước lớp. Ở nhà mẹ thật hiền, nhưng ở trường mẹ thật nghiêm khắc. Học sinh của mẹ thật đông. Cứ Tết hay đến ngày lễ lại đến nhà ngồi chật kín. Có người còn nhiều tuổi hơn cả mẹ. Có anh Lai làm thợ mộc đóng cho nhà tôi bộ sa lông bây giờ vẫn dùng tốt. Có cậu Tuấn học cùng khoá với tôi được mẹ chở đi mua kính cận, bây giờ hình như vẫn đi bán kem và làm ruộng. Ngày tôi còn nhỏ, những dịp trung thu, các anh chị học sinh mẹ đến nhà chuẩn bị cắm trại, các chị làm thêm cho tôi lồng đèn, các anh làm cho tôi cái mặt nạ bằng giấy và cái rìu được cắt ra từ cái đĩa hát bằng nhựa, chỉ một đêm là hỏng nhưng tôi nhớ mãi. Cả ngày xưa và bây giờ, những người học sinh cũ của mẹ làm cho tôi có cảm giác mình có thêm bao nhiêu là anh, chị.

Ngày mai mẹ về hưu rồi. Ai cũng lo mẹ sẽ buồn. Tôi cũng lo lắm. Mẹ sẽ chăm cái vườn, sẽ lại thêm những loại cây mới, mẹ vẫn tự tay bắt sâu và nhặt cỏ, góc vườn nào cũng xanh mơn mởn. Mẹ sẽ dạy Vinh học, nó sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, có khi nó còn được mẹ dạy học nhiều hơn cả tôi, nó cứ thích được gọi bà bằng mẹ. Nghỉ ở nhà, mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để củng cố cái thực đơn "tiểu đường" của bố, nhưng mẹ mà đi chơi dài ngày thì bố sẽ buồn thiu. Ít ngày nữa mẹ sẽ bế con cho chị An, nhưng mà "vẫn chưa có gì", chỉ cần chị An "có gì" mẹ sẽ bận bịu thêm rất nhiều. Còn tôi, thỉnh thoảng mẹ sẽ gọi điện và nói: "cố gắng lên con ạ!", Ôi tôi vẫn làm cụ lo lắng nhiều!

4 nhận xét:

  1. Uh, cho mẹ anh bế cháu đê, hê hê

    Trả lờiXóa
  2. Anh Nguyen14:47 10/7/07

    heeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeeee,

    Trả lờiXóa
  3. Một trong những cách để mẹ anh vui là mau chóng cho mẹ anh đc bế cháu đê, hihi

    Trả lờiXóa
  4. NguyenThuyet10:04 14/7/07

    Bac ve huu! Em nghi rang anh nen vui len thi phai! Chi can anh tich cuc ve tham hai bac khi co dieu kien... Nguoi co tuoi cung tim cho minh nhung niem vui rieng ma, anh nhi?

    Trả lờiXóa